COVID-19 tới 6h sáng 12/9: Thế giới vượt 225 triệu ca mắc; Nga đứng đầu về ca tử vong mới
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 69.000 ca), Ấn Độ (31.211 ca) và Anh (29.547 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (796 ca), Mỹ (713 ca) và Mexico (699 ca).
Tình từ đầu đại dịch, Mỹ có số ca mắc cao nhất với trên 41,8 triệu ca và gần 678.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33,2 triệu ca và gần 443.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 20,9 triệu ca và trên 586.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục có ca mắc tăng cao và đẩy mạnh tiêm chủng, có thêm một bằng chứng khoa học nữa cho thấy tiêm vaccine COVID-19 mang lại tác dụng bảo vệ quan trọng, ngay cả trong việc ngăn chặn biến thể siêu lây nhiễm Delta.
Nghiên cứu mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) nước này cho thấy những người chưa tiêm chủng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 11 lần so với những người được tiêm chủng đầy đủ. Nghiên cứu trên được công bố không lâu sau khi ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra các quy định bắt buộc về tiêm chủng vaccine đối với toàn bộ nhân viên liên bang, các doanh nghiệp trên 100 nhân viên, đội ngũ chăm sóc sức khỏe...
Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất từ CDC Mỹ còn cho thấy những người được tiêm chủng đầy đủ có nguy cơ bị nhiễm bệnh thấp hơn gần 5 lần trong khi nguy cơ phải nhập viện vì bệnh trở nặng cũng thấp hơn 10 lần so với người chưa tiêm chủng. Phát biểu tại một cuộc họp về COVID-19 tại Nhà Trắng ngày 10/9, Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ, cho biết: "CDC đã xem xét các các ca mắc, nhập viện và tử vong ở 13 bang và kết quả cho thấy thêm bằng chứng về sức mạnh của tiêm chủng. Như chúng tôi đã chỉ ra, từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, tiêm chủng có hiệu quả".
Tuy nhiên, các nghiên cứu phân tích dữ liệu từ 600.000 người Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 4/4 đến ngày 17/7 này cũng cho thấy hiệu quả của vaccine có thể đã giảm xuống khi biến thể Delta trở nên chiếm ưu thế. Nguyên nhân có thể là do khả năng miễn dịch giảm hoặc biến thể có khả năng né tránh tốt hơn hệ thống miễn dịch, hoặc là sự kết hợp của cả hai yếu tố này.
Mỹ dự định tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi
Hãng Reuters (Anh) dẫn 2 nguồn thạo tin cho biết giới chức y tế Mỹ cho rằng vaccine phòng COVID-19 của Pfizer có thể được cho phép dùng cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào cuối tháng 10 tới.
Mốc thời gian này dựa trên kỳ vọng rằng Pfizer, hãng hợp tác phát triển vaccine phòng COVID-19 với BioNTech của Đức, sẽ có đủ dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng để được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho nhóm tuổi này vào cuối tháng 9.
Các nguồn tin cho biết trong vòng 3 tuần sau khi nhận được hồ sơ xin cấp EUA, FDA có thể đưa ra quyết định về việc liệu loại vaccine này có an toàn và hiệu quả ở trẻ em hay không. Vấn đề tiêm phòng cho trẻ em đang là một chủ đề nóng ở Mỹ, đặc biệt vài tuần gần đây nhiều trường học mở cửa trở lại trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan mạnh.
Theo nguồn tin, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci đã đề cập đến thời gian biểu như trên trong môt cuộc họp trực tuyến ngày 10/9. Ông Fauci cũng cho biết thêm nhà sản xuất vaccine khác là Moderna nhiều khả năng cần thêm 3 tuần so với Pfizer để thu thập và phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho độ tuổi 5-11. Quyết định về cho phép vaccine của Moderna với trẻ em sẽ có thể được đưa ra vào khoảng tháng 11.
Anh có thể sử dụng vaccine khác loại trong chương trình tiêm chủng tăng cường
Anh đang lên kế hoạch kết hợp vaccine khác loại trong chương trình tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19, theo đó những người tiêm mũi thứ 3 sẽ được tiêm loại vaccine khác với 2 mũi đầu nhằm tạo nâng cao hiệu quả ngừa COVID-19.
Chính phủ Anh đang muốn thúc đẩy chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường vào mùa Thu sau khi các nghiên cứu từ Đại học Oxford và nhóm nghiên cứu điều hành ứng dụng Zoe Covid cho thấy hiệu quả bảo vệ từ vaccine của Pfizer và AstraZeneca giảm sau 4 đến 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.
Tuy nhiên, chính phủ Anh sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên khuyến nghị của Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), là cơ quan tư vấn về vaccine của chính phủ. Cơ quan này hiện đang phân tích dữ liệu từ thử nghiệm Cov-Boost của Đại học Southampton. Thử nghiệm này xem xét các phản ứng kháng thể của những người ban đầu được tiêm 2 mũi AstraZeneca hoặc Pfizer, nhưng tiêm mũi thứ 3 bằng 1 loại vaccine khác.
Chương trình tiêm chủng của Anh phần lớn sử dụng vaccine của AstraZeneca. Một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố hồi tháng 6 cho thấy những người được tiêm 2 mũi đầu vaccine của AstraZeneca và tiêm mũi thứ 3 bằng vaccine của Pfizer có mức kháng thể cao gấp 9 lần so với những người chỉ tiêm 2 mũi vaccine của AstraZeneca. Giáo sư miễn dịch học Danny Altmann tại Đại học Hoàng gia London cho biết việc kết hợp vaccine của AstraZeneca và vaccine sử dụng công nghệ mRNA như của Pfizer có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cao hơn và lâu hơn.
Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) cũng xác nhận vaccine của AstraZeneca và Pfizer an toàn và hiệu quả để sử dụng tiêm mũi thứ 3 và mũi nhắc lại cho những người bị suy giảm miễn dịch.
Ông Clive Dix, người từng đứng đầu nhóm đặc trách về vaccine của Chính phủ Anh, cho biết giới khoa học thống nhất rằng tiêm mũi vaccine tăng cường khác loại có hiệu quả hơn trong việc tăng phản ứng miễn dịch so với tiêm thêm 1 mũi vaccine cùng loại.
Các ca mắc COVID-19 tại Anh hiện vẫn tăng cao. Ngày 11/9, Anh ghi nhận 29.547 ca mới và 156 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, số ca mới đã tăng 11,5% lên 267.880 ca trong khi số ca tử vong tăng 18,7% lên 947 ca. Gần 48,4 triệu người Anh (89% tổng dân số), đã tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, và hơn 43,8 triệu người (80,6%) đã tiêm đủ 2 mũi.
Nam Phi cho phép sử dụng vaccine của Pfizer cho trẻ em từ 12 trở lên
Cơ quan quản lý dược phẩm của Nam Phi ngày 11/9 đã cho phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, mở đường cho Chính phủ Nam Phi tiến hành tiêm chủng loại vaccine này cho thiếu niên.
Cơ quan quản lý các sản phẩm y tế Nam Phi (SAHPRA) cho biết quyết định trên được đưa ra sau quá trình đánh giá các thông tin cập nhật về an toàn và hiệu quả của loại vaccine này được trình lên hồi tháng 3 năm nay.
Sau sự khởi đầu chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi đang được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhờ nguồn cung được bảo đảm và hiện khoảng 12% trong hơn 60 triệu người dân Nam Phi đã được tiêm chủng ngừa COVID-19, đạt tỷ lệ cao hơn tất cả nước khác ở châu Phi.
Thái Lan duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm đến cuối tháng 9
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã quyết định duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm từ 9h tối hôm trước đến 4h sáng hôm sau tại các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm chịu sự kiểm soát chặt chẽ và tối đa đến ít nhất là cuối tháng này.
Phát biểu ngày 10/9, người phát ngôn của CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết cuộc họp của CCSA do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì đã nhất trí duy trì những hạn chế hiện tại, bao gồm cả lệnh giới nghiêm được áp dụng ở các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm, cho đến cuối tháng 9. Ông Taweesilp cho biết CCSA cũng quyết định không thay đổi tình trạng phân loại các tỉnh theo vùng kiểm soát COVID-19 gồm đỏ sẫm (29 tỉnh), đỏ (37 tỉnh) và da cam (11 tỉnh) cho đến cuối tháng này.
Thái Lan ngày 11/9 có thêm 15.191 ca mới cùng 253 ca tử vong, tăng so với các con số của ngày 10/9. Kể từ đầu dịch đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 1.368.144 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.173 người không qua khỏi.
Tính đến ngày 9/9, khoảng 25,9 triệu người ở Thái Lan (37,3% dân số) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 10,9 triệu người (15,7%) đã được tiêm hai mũi. Tỷ lệ tiêm chủng hằng ngày đã tăng lên từ 600.000-700.000 mũi tiêm vào ngày thường và 200.000-300.000 mũi tiêm vào cuối tuần.
Theo CCSA, chính phủ sẽ cung cấp 4,8 triệu liều vaccine của Pfizer để tiêm chủng cho học sinh từ 12-17 tuổi trên toàn quốc. CCSA nói rõ rằng việc tiêm chủng cho nhóm này sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện với sự đồng ý của phụ huynh học sinh và phụ huynh sẽ được thông báo về tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Lào tăng cao
Bộ Y tế Lào ngày 11/9 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 204 ca mắc mới COVID-19, trong đó ngoài 84 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 120 ca cộng đồng. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 17.140 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Theo Bộ Y tế Lào, số ca cộng đồng trong một ngày tại nước này đã tăng lên 3 con số. Đáng chú ý, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận gần đây là cán bộ ở các trung tâm y tế, công an, quân đội hoặc người quản lý trung tâm cách ly; một số khác là người lao động từ tỉnh khác về quê, được xác định dương tính sau đó.
Trong diễn biến liên quan khác, Lào đã thành lập Trung tâm thông tin thị trường Lao động có tổng đài hỏi đáp 1535 để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có thể tìm kiếm việc làm.
Theo Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, trung tâm sẽ thu thập thông tin để các nhà hoạch định chính sách sử dụng nhằm hỗ trợ những người thất nghiệp, bao gồm cả việc đào tạo tay nghề. Trung tâm mới cũng sẽ bao gồm việc phân tích thị trường lao động, hoạt động như một cơ sở để giám sát và báo cáo về các chính sách lao động và việc làm.
Ca mắc mới cao kỷ lục; Philippines kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm
Ngày 11/9, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này có thêm 26.303 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện tổng số ca bệnh tại Philippines tăng lên 2.206.021 ca.
Tổng số ca tử vong tại Philippines do đại dịch cũng đã tăng lên 34.978 ca sau khi có thêm 79 người không qua khỏi trong một ngày qua.
Trước đó, ngày 10/9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 năm do đại dịch COVID-19.
Sắc lệnh của Tổng thống Duterte cũng lưu ý tất cả các cơ quan chính phủ và địa phương phải tiếp tục hỗ trợ và hợp tác đầy đủ, cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp khẩn cấp và mang tính quyết định nhằm loại bỏ mọi nguy cơ của đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép nhà chức trách trung ương và địa phương tiêm chủng cho người dân, kiểm soát giá cả các hàng hóa và thực phẩm thiết yếu cũng như nhiều biện pháp khác.
Philippines lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2020 và đã gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 10/9, Philippines đã ghi nhận 2.179.770 ca mắc COVID-19, trong đó có 34.899 ca tử vong.
Thùy Dương/Báo Tin tức