Bệnh Võng Mạc Đái Tháo Đường: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Điều Trị
Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một biến chứng thường gặp của đái tháo đường. Võng mạc là các lớp sợi thần kinh của mắt, có vai trò tiếp nhận ánh sáng. Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra hầu hết ở các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Nếu không điều trị sẽ gây ra phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc…dẫn đến mù lòa. Do đó bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực.
Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường
Trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường có thể không có bất kỳ triệu chứng nào.
Ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường có thể bao gồm:
- Các đốm hoặc dây đen lơ lửng trong tầm nhìn (vật nổi)
- Nhìn mờ
- Tầm nhìn dao động
- Suy giảm thị lực màu
- Vùng tối hoặc vùng trống trong tầm nhìn của bạn
- Mất thị lực
Nguyên nhân của bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?
Lượng đường trong máu cao qua thời gian dài sẽ dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc. Dẫn đến tân sinh các mạch máu mới, tuy nhiên những mạch máu mới này rất yếu, dễ dàng vỡ bất cứ lúc nào, gây xuất huyết võng mạc
Có hai loại bệnh võng mạc đái tháo đường:
- Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh: ở giai đoạn đầu, các mạch máu mới không phát triển (tăng sinh). Các thành mạch máu trong võng mạc rất yếu tạo các khối phồng nhỏ (vi phình mạch) nhô ra khỏi thành mạch của các mạch máu nhỏ, đôi khi làm xuất huyết võng mạc. Các mạch máu võng mạc lớn hơn có thể bắt đầu giãn ra và có đường kính không đều. Bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào lượng mạch máu bị tắc nghẽn. Ngoài ra các sợi thần kinh trong võng mạc có thể bắt đầu phù lên như phù hoàng điểm.
- Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh: ở giai đoạn tiến triển. Giai đoạn này các mạch máu bị tắc nghẽn nhiều dẫn đến sự phát triển của các mạch máu mới, bất thường trong võng mạc. Giai đoạn này có thể xuất hiện bong võng mạc, tăng nhãn áp bởi các mạch máu tăng sinh này.
Biến chứng
Bệnh võng mạc đái tháo đường liên quan đến sự phát triển bất thường của các mạch máu trong võng mạc. Các biến chứng có thể dẫn đến rối loạn thị lực nghiêm trọng:
- Xuất huyết dịch kính: các mạch máu mới có thể xuất huyết làm máu chảy vào khoang chứa dịch kính của mắt và hòa chung với dịch kính. Nếu lượng máu xuất huyết ít, bạn có thể chỉ thấy một vài đốm đen (nổi cục). Trong những trường hợp xuất huyết nhiều, máu có thể lấp đầy thể thủy tinh và cản trở hoàn toàn tầm nhìn của bạn. Xuất huyết dịch kính thường không gây mất thị lực vĩnh viễn. Máu thường sạch khỏi mắt trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Trừ khi võng mạc của bạn bị tổn thương, thị lực của bạn có thể trở lại rõ ràng như trước.
- Bong võng mạc: các mạch máu bất thường kích thích sự phát triển của mô sẹo, có thể kéo võng mạc ra khỏi mặt sau của mắt. Điều này có thể gây ra các điểm nổi trong tầm nhìn của bạn, nhấp nháy ánh sáng hoặc mất thị lực nghiêm trọng.
- Tăng nhãn áp: các mạch máu mới có thể phát triển ở phần trước của mắt và cản trở dòng chảy bình thường của chất lỏng ra khỏi mắt, gây ra tăng nhãn áp. Áp lực này có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác.
- Mất thị lực hoàn toàn.
- Chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường
- Khám tổng quát về mắt để đánh giá chức năng chung của mắt, kiểm tra thị lực, đo nhãn áp
- Nhỏ thuốc giãn đồng tử để khám đáy mắt. Thuốc nhỏ có thể làm cho tầm nhìn gần của bạn bị mờ trong vài giờ sau đó
- Chụp đáy mắt ảnh màu, cung cấp các thông tin:
- Mạch máu bất thường
- Phù nề, máu hoặc chất béo lắng đọng trong võng mạc
- Tăng trưởng các mạch máu mới và mô sẹo
- Chảy máu ở dịch kính
- Bong võng mạc
- Bất thường trong dây thần kinh thị giác
- Nếu đã xuất hiện các tổn thương, chụp mạch máu huỳnh quang và chụp OCT để đánh giá. Hệ thống chụp mạch huỳnh quang kỹ thuật số cho phép phát hiện các tổn thương phù, xuất huyết, thiếu máu, tân mạch bất thường rất chính xác. Chụp OCT cũng là một phương pháp cực kỳ hiện đại để đánh giá tình trạng phù và tổn thương của võng mạc trung tâm
Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh võng mạc đái tháo đường nhằm làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển.
Bệnh võng mạc đái tháo đường sớm:
- Nếu bạn bị bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh hoặc tăng sinh nhẹ, trung bình, có thể không cần điều trị ngay. Tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ để xác định khi nào bạn có thể cần điều trị.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường: khi bệnh võng mạc tiểu đường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, kiểm soát tốt lượng đường trong máu thường có thể làm chậm sự tiến triển.
Bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển
Nếu bạn bị bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh hoặc phù hoàng điểm, bạn sẽ cần được điều trị kịp thời. Tùy thuộc vào tổn thương cụ thể của võng mạc có thể áp dụng phương pháp sau:
- Tiêm nội nhãn: thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu, được tiêm vào thủy tinh thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới và giảm sự tích tụ chất lỏng.
- Laser quang đông võng mạc diệt các vùng võng mạc bất thường, diệt các tân mạch và điều trị phù hoàng điểm, võng mạc
- Phẫu thuật cắt dịch kính và bong võng mạc điều trị các biến chứng muộn ở giai đoạn cuối
Phòng ngừa bệnh
Không phải lúc nào bạn cũng có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên, kiểm tra mắt thường xuyên, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp của bạn, can thiệp sớm các vấn đề về thị lực có thể giúp ngăn ngừa mất thị lực nghiêm trọng.
Giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách thực hiện những điều sau:
- Kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày. Uống thuốc tiểu đường hoặc tiêm insulin theo toa bác sĩ. Theo dõi chỉ số đường huyết, HbA1c định kỳ.
- Kiểm soát huyết áp và cholesterol. Đây là 2 nhóm bệnh thường đi kèm với đái tháo đường.
- Chú ý đến những thay đổi về thị lực và khám mắt định kỳ để được chụp hình màu đáy mắt giúp phát hiện các tổn thương đáy mắt, bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn sớm.