Sỏi Túi Mật: khi nào cần phẩu thuật

Sỏi túi mật là gì?

Túi mật là một túi có dung tích 30-60 ml, nằm bên dưới thùy gan phải. Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật do gan tiết ra. Mật có vai trò giúp tiêu hóa chất béo. Khi ăn, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật xuống tá tràng để giúp tiêu hóa thức ăn có dầu, mỡ.

Sỏi mật là chất cặn cứng của mật được hình thành trong túi mật. Sỏi túi mật có kích thước từ vài mm đến vài cm, số lượng có thể từ 1 đến hàng trăm viên.

Nguyên nhân gây nên sỏi túi mật

- Mật chứa quá nhiều cholesterol gây nên sỏi mật cholesterol. Loại này phổ biến nhất, thường có màu vàng. Những viên sỏi mật này được cấu tạo chủ yếu từ cholesterol không hòa tan, nhưng có thể chứa các thành phần khác. Thông thường, mật chứa đủ hóa chất để hòa tan cholesterol do gan bài tiết ra ngoài. Nhưng nếu gan bài tiết nhiều cholesterol hơn lượng mật có thể hòa tan, thì lượng cholesterol dư thừa có thể hình thành tinh thể và cuối cùng thành sỏi.

- Mật chứa quá nhiều bilirubin gây nên sỏi mật sắc tố. Những viên sỏi này có màu nâu sẫm hoặc đen. Bilirubin là một chất được tạo ra khi vỡ các tế bào hồng cầu. Một số điều kiện khiến gan tạo ra quá nhiều bilirubin, bao gồm xơ gan, nhiễm trùng đường mật và một số rối loạn về máu. Bilirubin dư thừa góp phần hình thành sỏi mật.

Các yếu tố nguy cơ gây nên sỏi túi mật

- Nữ

- Từ 40 tuổi trở lên

- Thừa cân hoặc béo phì

- Ít vận động

- Có thai

- Ăn một chế độ ăn nhiều chất béo, giàu cholesterol

- Ăn một chế độ ăn ít chất xơ

- Có tiền sử gia đình bị sỏi mật

- Bị bệnh tiểu đường

- Bị một số rối loạn về máu, chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc bệnh bạch cầu

- Giảm cân rất nhanh

- Dùng thuốc có chứa estrogen, chẳng hạn như thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị hormone

- Bị bệnh gan

Triệu chứng của sỏi túi mật

Sỏi mật thường không gây ra triệu chứng. Sỏi túi mật thường được phát hiện tình cờ khi đi làm siêu âm.

Nếu sỏi mật nằm trong ống dẫn mật và gây tắc nghẽn, các dấu hiệu và triệu chứng dẫn đến có thể bao gồm:

- Đau bụng dưới sườn phải, xuyên ra lưng, lên vai phải.

- Buồn nôn hoặc nôn mửa

- Cơn đau do sỏi mật có thể kéo dài vài phút đến vài giờ.

- Sốt, vàng da:đối với sỏi đã gây biến chứng

Chẩn đoán sỏi túi mật:

Siêu âm bụng: hiện nay siêu âm bụng được xem là phương tiện đầu tay để chẩn đoán sỏi túi mật, khả năng chẩn đoán đúng sỏi túi mật của siêu âm là 90-95%.

Chụp cắt lớp điện toán (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng trong việc chẩn đoán các trường hợp nghi ngờ sỏi mật mà siêu âm không thể khẳng định được.

Biến chứng của sỏi túi mật:

Các biến chứng của sỏi mật có thể bao gồm:

- Viêm túi mật:  sỏi mật bị mắc kẹt trong cổ túi mật có thể gây viêm túi mật

- Sự tắc nghẽn của ống mật chủ: sỏi mật có thể làm tắc nghẽn các ống mật chảy từ túi mật hoặc gan đến ruột non của bạn.

- Sự tắc nghẽn của ống tụy: ống tụy là một ống chạy từ tuyến tụy và kết nối với ống mật chủ ngay trước khi đi vào tá tràng.  Tắc nghẽn của ống tụy đến viêm tụy.

- Ung thư túi mật: những người có tiền sử sỏi mật tăng nguy cơ ung thư túi mật.

Khi nào cần phẩu thuật sỏi túi mật 

Hầu hết sỏi túi mật không gây ra triệu chứng sẽ không cần điều trị.

Thông thường, phẩu thuật nội soi sỏi túi mật sẽ được chỉ định tại các thời điểm sau:

- Sỏi nhiều chiếm 2/3 diện tích túi mật. Sỏi nằm kẹt tại cuống túi mật, chặn hoàn toàn đường ra vào của dịch mật.

- Sỏi gây biến chứng viêm túi mật mạn tái đi tái lại nhiều lần, viêm túi mật cấp…

- Biến chứng áp xe túi mật, hoại tử túi mật… sẽ được chỉ định mổ khẩn cấp để phòng ngừa thủng túi mật

- Thành túi mật bị canxi hóa (túi mật sứ)

- Trong túi mật vừa có sỏi, vừa có polyp túi mật – một dạng giả u

Phòng ngừa sỏi túi mật

Bạn có thể giảm nguy cơ bị sỏi mật bằng các phương pháp sau:

- Đừng bỏ bữa: cố gắng tuân thủ giờ ăn thông thường của bạn mỗi ngày. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật.

- Giảm cân từ từ: nếu bạn cần giảm cân, hãy đi chậm. Giảm cân nhanh chóng có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật.

- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

- Duy trì cân nặng hợp lý: béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ sỏi mật. Cố gắng đạt được cân nặng hợp lý bằng cách giảm lượng calo nạp vào cơ thể và tăng cường hoạt động thể chất. Khi bạn đạt được cân nặng hợp lý, hãy cố gắng duy trì cân nặng đó bằng cách tiếp tục chế độ ăn uống lành mạnh và tiếp tục tập thể dục.