Khi Nào Cần Phẫu Thuật Tuyến Giáp

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình bướm nằm ở phía trước cổ ngay dưới quả táo Adam. Nó được tạo thành từ hai thùy - thùy phải và thùy trái, mỗi thùy có kích thước bằng quả mận bị cắt đôi - và hai thùy này được nối với nhau bằng một cầu nhỏ của mô tuyến giáp gọi là eo giáp.

Tuyến giáp tạo ra hai hormone, tiết ra vào máu. Một loại được gọi là thyroxine; hormone này chứa bốn nguyên tử iốt và thường được gọi là T4. Loại còn lại được gọi là triiodothyronine, chứa ba nguyên tử iốt và thường được gọi là T3. Chúng điều chỉnh tốc độ hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

Phẫu thuật tuyến giáp là gì?

Phẫu thuật tuyến giáp là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần của tuyến giáp tùy thuộc vào từng bệnh lý bao gồm các phương pháp sau:

- Sinh thiết tuyến giáp mở - một phẫu thuật hiếm khi được sử dụng trong đó nhân giáp được cắt bỏ để sinh thiết.

- Phẫu thuật cắt bỏ một thùy của tuyến giáp.

- Phẫu thuật cắt eo tuyến giáp - chỉ cắt bỏ cầu nối của mô tuyến giáp giữa hai thùy; được sử dụng đặc biệt cho các khối u nhỏ nằm trong eo giáp.

- Cuối cùng, phẫu thuật cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ tuyến giáp là loại bỏ tất cả hoặc hầu hết các mô tuyến giáp.

Khi nào cần phẫu thuật tuyến giáp?

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp nếu bạn có các bệnh lý sau:

- Ung thư tuyến giáp: là chỉ định phổ biến nhất cho việc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp.

- Phình giáp (bướu lành tuyến giáp): cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp là một lựa chọn nếu bạn có bướu cổ lớn gây khó chịu hoặc gây khó thở hoặc khó nuốt hoặc gây ra cường giáp.

- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp). Cường giáp là tình trạng tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Nếu bạn không dung nạp với thuốc kháng giáp hoặc không muốn điều trị bằng iốt phóng xạ, phẫu thuật cắt tuyến giáp có thể là một lựa chọn.

- Các nhân giáp không xác định hoặc nghi ngờ. Một số nhân giáp không thể được xác định là ung thư hay không phải ung thư thông qua sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ. Các bác sĩ có thể khuyến nghị nên phẫu thuật cắt tuyến giáp nếu các nhân này có nguy cơ bị ung thư cao hơn.

Bạn cần được khám nghiệm gì trước khi tiến hành phẫu thuật?

- Bạn được khám tiền phẫu kỹ lưỡng bao gồm: đánh giá tiền sử bệnh chi tiết khám các cơ quan như tim, phổi,.... Bạn được chỉ định đo điện tâm đồ, chụp X-quang phổi, xét nghiệm xác định xem có bị rối loạn chảy máu hay không, xét nghiệm nhóm máu, xét nghiệm chức năng gan, thận,...

- Điều quan trọng là, bất kỳ bệnh nhân nào bị thay đổi giọng nói hoặc đã từng phẫu thuật vùng cổ trước đó và / hoặc nghi ngờ ung thư tuyến giáp xâm lấn nên được đánh giá thường quy chức năng dây thanh âm trước khi phẫu thuật.

- Một số trường hợp hiếm hoi, nếu nghi ngờ ung thư tuyến giáp thể tủy, bệnh nhân nên được đánh giá xem có các khối u nội tiết khác xảy ra không bao gồm khối u thượng thận (pheochromocytomas) và các tuyến cận giáp phì đại sản xuất thừa hormone tuyến cận giáp (cường cận giáp).

Những rủi ro có thể gặp khi phẫu thuật là gì?

Phẫu thuật tuyến giáp nói chung là rất an toàn. Các biến chứng là không phổ biến, nhưng những rủi ro nghiêm trọng nhất có thể có của phẫu thuật tuyến giáp bao gồm:

- Chảy máu trong những giờ ngay sau khi phẫu thuật có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính;

- Chấn thương dây thần kinh thanh quản có thể gây khàn tiếng tạm thời hoặc vĩnh viễn, và thậm chí có thể suy hô hấp cấp tính trong trường hợp rất hiếm khi cả hai dây thần kinh bị tổn thương;

- Tổn thương tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi trong máu, dẫn đến suy tuyến cận giáp tạm thời, hoặc hiếm gặp hơn là suy tuyến cận giáp và hạ calci huyết.

Những biến chứng này xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân có khối u xâm lấn hoặc có liên quan đến hạch bạch huyết rộng, ở những bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật tuyến giáp thứ hai và ở những bệnh nhân có bướu giáp lớn đi dưới xương đòn vào đỉnh ngực (bướu cổ dưới). Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên hiểu lý do của cuộc phẫu thuật, các phương pháp điều trị thay thế, rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của cuộc phẫu thuật.

Những điều cần biết khi bạn đã quyết định tiến hành phẫu thuật?

- Khi bạn đã gặp bác sĩ phẫu thuật và quyết định tiến hành phẫu thuật, bạn sẽ được lên lịch đánh giá trước khi phẫu thuật (như trên). Bạn không nên ăn hoặc uống gì sau nửa đêm của ngày trước khi phẫu thuật.

- Quá trình phẫu thuật thường kéo dài khoảng 2 giờ, sau thời gian đó bạn sẽ từ từ thức dậy trong phòng hồi sức. Phẫu thuật có thể được thực hiện thông qua một vết rạch ở cổ hoặc có thể được thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ hơn với sự hỗ trợ của máy nội soi. Một số người có thể phải đặt ống dẫn lưu dưới vết mổ ở cổ. Ống dẫn lưu này thường được rút ra vào buổi sáng sau phẫu thuật.

- Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, bạn có thể bị đau cổ và giọng nói khàn hoặc yếu. Những triệu chứng này thường ngắn hạn và có thể do kích thích từ ống thở chèn vào khí quản trong quá trình phẫu thuật hoặc là kết quả của kích thích dây thần kinh do phẫu thuật gây ra.

- Bạn sẽ có thể ăn uống như bình thường sau khi phẫu thuật. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật bạn đã thực hiện, bạn có thể về nhà vào ngày làm thủ thuật hoặc bác sĩ có thể đề nghị bạn ở lại bệnh viện qua đêm. Khi về nhà, bạn thường có thể trở lại các hoạt động thường ngày của mình. Chờ ít nhất 10 ngày đến hai tuần trước khi hoạt động mạnh, chẳng hạn như nâng vật nặng hoặc thể thao gắng sức. Phải mất đến một năm để vết sẹo do phẫu thuật mờ đi. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng để giúp hạn chế sẹo.

Tôi có cần uống thuốc tuyến giáp sau khi phẫu thuật không?

Câu trả lời cho điều này phụ thuộc vào lượng tuyến giáp bị loại bỏ. Nếu phẫu thuật cắt bỏ một nửa (hemi) tuyến giáp, có 80% khả năng bạn sẽ không cần dùng thuốc tuyến giáp. Nếu bạn bị cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp (cắt toàn bộ tuyến giáp) hoặc nếu bạn đã phẫu thuật tuyến giáp trước đó và bây giờ đang phải cắt bỏ tuyến giáp còn lại (hoàn thành phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp) thì bạn không còn nguồn hormone tuyến giáp bên trong và bạn chắc chắn sẽ cần sử dụng hormone tuyến giáp thay thế suốt đời.