Ho Khan Kéo Dài, Chữa Mãi Không Khỏi, Nguyên Nhân Vì Sao?

Có rất nhiều trường hợp ho kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng đến nhiều năm, khiến bệnh nhân tìm hết bác sĩ này đến bác sĩ khác để điều trị.

- Ho kéo dài ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh gây trở ngại công việc và giao tiếp nơi công cộng cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu những chia sẻ của Bác sĩ CK.1 Nguyễn Thúc Bội Huyền - Khoa nội PKĐK Saigon Healthcare - Bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động khám và điều trị bệnh Tiêu hóa) để hiểu hơn về chứng bệnh để có cách phòng ngừa cũng như điều trị thích hợp.

 

1. Thế nào được gọi là ho kéo dài ?

Ho kéo dài hay còn gọi là ho mãn tính khi thời gian ho liên tục trên tám tuần ở người lớn và liên tục trên bốn tuần ở trẻ em.

Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau và có thể là biểu hiện của bệnh rất nặng.

2. Những nguyên nhân thường gây ra ho kéo dài ?

- Hội chứng chảy mũi sau:( chảy mũi ra phía sau xuống họng, không chai ra ngoài) nó gồm các bệnh như viêm mũi vận mạch, viêm mũi dị ứng, polyp mũi và viêm xoang mạn.

- Hen suyễn: bệnh nhân thường có triệu chứng ho, khó thở, khò khè, nặng ngực xuất hiện khi lạnh, khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi gắng sức. Các triệu chứng này có xu hướng nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.

- Trào ngược dạ dày – thực quản: đây là bệnh lý khá phổ biến.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: là bệnh liên quan chủ yếu đến thói quen hút thuốc lá. Bệnh diễn tiến âm thầm, ban đầu là ho dai dẳng sau đó xuất hiện các triệu chứng trầm trọng như khó thở, suy hô hấp.

- Ho kéo dài do thuốc ức chế men chuyển: thuốc ức chế men chuyển được dùng để điều trị tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim. Khoảng 10 – 20% bệnh nhân dùng các thuốc nhóm này bị ho.

- Và cuối cùng là ho kéo dài do lao phổi hoặc ung thư phổi: Ho thường có đàm máu kèm theo sụt cân, biếng ăn, đau nhói ngực.

Xác định đúng nguyên nhân gây ho kéo dài sẽ giúp đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

3. Một số thông tin về bệnh Trào ngược dạ dày – thực quản, nguyên nhân phổ biến gây ho kéo dài.

- Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) còn gọi là viêm thực quản trào ngược. Đâylà một căn bệnh mãn tính thường gặp ở các nước châu Á và có khuynh hướng gia tăng ở Việt Nam.

- Nguyên nhân gây bệnh là do chế độ ăn uống không lành mạnh, sử dụng những chất kích thích, rượu bia, dùng thuốc không đúng cách, béo phì… và nguyên nhân nổi bật nhất  là do căng thẳng, áp lực trong công việc và cuộc sống.

- Bệnh xảy ra khi dịch dạ dày, dịch mật hoặc thức ăn trong dạ dày trào ngược từng lúc hay thường xuyên lên thực quản, từ đó gây ra các triệu chứng cũng như các biến chứng của bệnh.

- Các triệu chứng điển hình của GERD: như là ợ nóng, ợ chua, nôn, buồn nôn, tức trước xương ức, cảm giác nghẹn sau nuốt thức ăn, tăng tiết nước bọt, hôi miệng, đắng miệng và ho kéo dài. Tuy nhiên không phải người bị GERD nào cũng có các triệu chứng điển hình như trên.

Mặc dù GERD là một bệnh hoàn toàn thuộc về đường tiêu hóa, tuy nhiên người bệnh rất dễ nhầm:

+ BN nghĩ là mình bị bệnh tim khi thấy đau ngực, điều trị chuyên khoa tim mạch không đỡ với kết quả siêu âm tim, điện tim bình thường.

+ Đôi khi BN nghi ngờ bệnh phổi khi thấy ho khan kéo dài, chụp XQ phổi bình thường.

+ Hoặc khám bệnh về tai mũi họng khi khan tiếng, đau họng,…

- Để chẩn đoán bệnh Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), ngoài việc ghi nhận các triệu chứng trên bác sĩ cần bạn thực hiện Nội soi thực quản-dạ dày để xác định và đánh giá tổn thương, thông qua nội soi cũng giúp bạn biết mình có bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P) hay không.

- Điều trị Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) cần phối hợp tốt 2 phương pháp sau:

Điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống):
+ Thay đổi chế độ ăn uống: hạn chế thức ăn có nhiều chất béo, đồ chiên rán, gia vị (hành tỏi), trái cây có tính chua, sôcôla, kẹo bạc hà, đồ uống có gas, cà phê đậm. Tránh ăn nhiều, tránh bữa ăn trễ và không nên ăn đêm. Không nên dùng sữa và chế phẩm từ sữa trước khi đi ngủ. Tránh nằm ngữa, tránh mặc đồ quá chật ngay sau ăn.

+ Không nên thức khuya và làm việc căng thẳng.

+ Thiết lập chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hợp lí, chế độ làm việc khoa học, hạn chế căng thẳng thần kinh và tập thể dục giúp phòng tránh và hạn chế bệnh trào ngược dạ dày thực quản tái phát.

+ Hạn chế rượu bia, thuốc lá.

+ Nằm kê gối cao, tránh cúi gập người về phía trước.

+ Uống thuốc đúng cách và theo chỉ định của BS.

+ Nên giảm cân nếu béo phì.

Điều trị thuốc:

+ Ức chế tiết axit dạ dày: là thuốc điều trị đầu tay, dùng mỗi ngày, liên tục. Thời gian điều trị thường lâu hơn các bệnh lý viêm loét dạ dày thông thường và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa.

+ Thuốc phản ứng với axit dịch dạ dàytạo  màng bọc  phía trên lớp dịch dạ dày, từ đó hạn chế tình trạng trào ngược lên phía thực quản ở trên.

+ Các thuốc điều hòa nhu động, thuốc làm tăng áp suất cơ vòng thực quản dưới và làm sạch thực quản, thuốc giảm căng thẳng lo âu: có thể phối hợp tùy từng bệnh nhân.