Tầm Soát Ung Thư Ống Tiêu Hóa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK.1 Nguyễn Thúc Bội Huyền - Khoa nội PKĐK Saigon Healthcare - Bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động khám và điều trị bệnh Tiêu hóa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK.1 Nguyễn Thúc Bội Huyền - Khoa nội PKĐK Saigon Healthcare - Bác sĩ có hơn 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động khám và điều trị bệnh Tiêu hóa)

1. Ung thư ống tiêu hóa là gì ?

- Ống tiêu hóa là hệ thống ống rỗng đi từ thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng đến hậu môn.

- Ung thư ống tiêu hóa là bệnh lý do sự xuất hiện của các khối u ác tính từ lòng hoặc thành của ống tiêu hóa. Ung thư ống tiêu hóa là một trong những ung thư gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm.

 2. Những nguyên nhân nào gây ung thư ống tiêu hóa ?

- Ung thư ống tiêu hóa là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố như:

  •        Gene di truyền.
  •        Tuổi tác cao.
  •        Chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý.
  •        Uuống nhiều rượu bia, hút thuốc lá.

- Ung thư ống tiêu hóa cũng thường xuất hiện trên bệnh nhân đang mắc các bệnh như: Barrett thực quản, viêm dạ dày mạn, nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori, viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn, Polyp dạ dày- đại tràng.

3. Những dấu hiệu gợi ý ung thư ống tiêu hóa là gì ?

Ung thư ống tiêu hóa thường khởi phát với các triệu chứng không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh thông thường khiến đa số người bệnh chủ quan, đến khi phát hiện ung thư đã ở giai đoạn muộn. Một số dấu hiệu gợi ý thường gặp:

  • Chóng mặt, da xanh, niêm nhạt do thiếu máu.
  • Sụt cân không giải thích được.
  • Nuốt khó, nuốt nghẹn, tức trước xương ức, đau thượng vị, đau khắp bụng, chậm tiêu, nôn ói.
  • Thay đổi thói quen đi cầu (đi tiêu lúc bón, lúc lỏng, đi tiêu nhiều lần).
  • Tiêu phân có máu hay đàm máu, tiêu phân đen.
  • Khối u ở bụng hay vùng hậu môn.

4. Cần làm gì để tầm soát sớm ung thư ống tiêu hóa ?

Để tầm soát sớm ung thư ống tiêu hóa chúng ta cần:

- Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm.

- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân và nội soi dạ dày, đại tràng ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

- Nội soi dạ dày, đại tràng mỗi năm 1 lần cho người từ 40 tuổi trở lên.

- XN dấu ấn ung thư dạ dày CA72.4 và đại tràng CEA nên làm định kỳ mỗi năm ở người trên 40 tuổi và người có yếu tố nguy cơ.

5. Lợi ích khi tầm soát sớm ung thư ống tiêu hóa ?

- Tầm soát sớm ung thư ống tiêu hóa mang lại nhiều lợi ích trong việc điều trị cũng như ngăn chặn diễn tiến bệnh giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Kỹ thuật nội soi với dải tần ánh sáng hẹp NBI giúp phát hiện các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn rất sớm ở ống tiêu hóa như:

Thực quản: phát hiện bệnh thực quản Barrett do trào ngược là nguyên nhân gây ra ung thư thực quản.

Dạ dày: các ổ viêm loét, dị sản, loạn sản, ung thư sớm.

Đại tràng: các polyp và phân biệt polyp lành tính, ác tính, hoặc các tổn thương dạng loét nghi ngờ ung thư.

6. Làm gì để phòng ngừa ung thư ống tiêu hóa ?

Để phòng ngừa ung thư ống tiêu hóa cần phối hợp các biện pháp sau:

- Dùng thức ăn có nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây, ít thịt cá và chất béo, uống nhiều nước (mỗi ngày 2-3 lít nước).

- Hạn chế dùng thức ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ, đồ nướng hay thịt xông khói.

- Hạn chế sử dụng rượu bia và không hút thuốc lá.

- Điều trị tốt bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản và tiệt trừ vi khuẩn H.P khi có chỉ định.

- Tập thể dục, đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày trong 1 tuần.

- Khám sức khỏe định kỳ.

- Khám ngay khi có các dấu hiệu gợi ý ung thư ống tiêu hóa và tầm soát định kỳ khi bản thân có nguy cơ cao ung thư tiêu hóa.